Đại biểu Quốc hội tại điểm cầu Hà Tĩnh
đã đóng góp ý kiến trọng tâm, chuyên sâu vào 2 dự án Luật sửa đổi bổ sung một số
điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Thống kê.
Chiều nay (20/10), Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tiếp tục với
phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng
Hình sự (BLTTHS) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành tại điểm cầu
Hà Tĩnh. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ; các vị đại biểu Quốc hội
bầu tại địa phương và đại diện các sở, ngành liên quan cùng dự.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung
Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành tại
điểm cầu Hà Tĩnh.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLTTHS phù hợp với thực tiễn
Mở đầu phiên làm việc chiều nay, Quốc hội nghe báo cáo đánh
giá và báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự
toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế
hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024.
Tiếp đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao
Lê Minh Trí và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Tờ
trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân
tối cao Lê Minh Trí trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của BLTTHS. (Ảnh: quochoi.vn)
VKSND tối cao đề xuất dự thảo Luật gồm 3 điều: Điều 1. Sửa đổi,
bổ sung một số điều của BLTTHS (khoản 3 Điều 146, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều
155, khoản 8 Điều 157, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247); Điều 2. Sửa đổi, bổ
sung một số điều của luật khác có liên quan (Luật Tổ chức Cơ quan điều tra); Điều
3. Hiệu lực thi hành.

Các đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Các đại biểu đã tiến hành thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của BLTTHS.
Đại biểu đánh giá, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của BLTTHS là cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế; giải quyết những vấn
đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh gây ra; tăng cường
vai trò của công an xã về trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo
về tội phạm.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn
ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành thảo luận tổ tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Về sửa đổi bổ sung một số nội dung của BLTTHS, các đại biểu
tại điểm cầu Hà Tĩnh cho rằng: tại khoản 3, Điều 1 đề nghị thay thế dấu “;” bằng
dấu “.”. Tại khoản 6, Điều 1 đề nghị chỉnh sửa cụm từ “lý do bất kháng” thành
“lý do bất khả kháng”.

Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Phan
Quý Nhất: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm
đưa thêm căn cứ để tạm đình chỉ đối với tố giác tin báo tội phạm do nguyên nhân
bất khả kháng; vừa đảm bảo quy định pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho bị can, người
bị hại.
Đề nghị in nghiêng phần căn cứ ban hành, thay dấu “,” thành
dấu “;” sau nội dung “Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
để phù hợp với Điều 34, Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 ngày 14/3/2017 của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm
pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt
Thu: Đồng tình sửa đổi khoản 1 điều 155 và khoản 8 điều 157 Bộ luật TTHS để
bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới khoản 1 điều 226 Bộ luật Hình sự về hành vi xâm
phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hoá để phù hợp tương thích
với Hiệp định CPTPP mà Việt Nam đã ký kết.
Sửa đổi, bổ sung Luật thống kê nhằm phục vụ lãnh đạo, điều
hành
Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư
Nguyễn Chí Dũng và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh lần lượt
trình bày Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Thống kê.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng
Thanh Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Thống kê (Ảnh quochoi.vn).
Mục tiêu của dự án Luật nhằm cung cấp thông tin thống kê
chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình KT-XH của đất
nước giai đoạn 2021-2030; giúp phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ
mô; xây dựng cơ sở pháp lý để thu thập các chỉ tiêu thống kê quốc gia; bảo đảm
yêu cầu so sánh quốc tế trong các lĩnh vực.

Đại biểu Trần Thanh Bình - Quyền Cục
trưởng Cục Thống kê phân tích một số nội dung liên quan đến công tác thống kê
trên địa bàn.
Các đại biểu Hà Tĩnh cơ bản nhất trí với sự cần thiết và phạm
vi điều chỉnh của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật. Đồng thời cho rằng,
tại khoản 1 Điều 1, việc giao “Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu
Tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn cấp tỉnh
(GRDP)” là cơ sở pháp lý quan trọng để thu thập, tổng hợp, biên soạn các chỉ
tiêu thống kê, bảo đảm tính khả thi, minh bạch, thống nhất trong biên soạn,
công bố GDP, GRDP1.
Tại khoản 2 Điều 1 Dự thảo Luật, đề nghị làm rõ cách thức để
thực hiện việc “phải thống nhất” bảo đảm nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 5
của Luật Thống kê. Cần làm rõ trong trường hợp không có sự thống nhất giữa các
cơ quan thì ý kiến của cơ quan nào là ý kiến cuối cùng và chế tài xử lý.

Toàn cảnh điểm cầu Hà Tĩnh.
Đại biểu đề nghị rà soát, cân đối tương quan số lượng chỉ
tiêu giữa các nhóm, một số tiêu chí còn có sự trùng lắp, thiếu thống nhất, tên
gọi chưa phù hợp.
Ngoài ra, đề nghị Quốc hội nghiên cứu một số chỉ tiêu, cụ thể:
Đối với nhóm chỉ tiêu Đất đai, dân số (mục 1) đề nghị bổ sung chỉ tiêu “Tỷ lệ
người cao tuổi”. Đối với nhóm chỉ tiêu Tài khoản quốc gia (mục 5) đề nghị bổ
sung chỉ tiêu “Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn”. Trong nhóm chỉ
tiêu Tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán (mục 7) đề nghị bổ sung các chỉ tiêu về
thanh toán như doanh số thanh toán không dùng tiền mặt, số lượng giao dịch
thanh toán không dùng tiền mặt.
Đối với nhóm chỉ tiêu Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (mục
8) đề nghị bổ sung 15 chỉ tiêu thuộc Bộ Tiêu chí giám sát đánh giá về cơ cấu lại
ngành nông nghiệp và bổ sung các chỉ tiêu thống kê theo Luật Chăn nuôi 2019.
Đối với nhóm chỉ tiêu Bảo vệ môi trường (mục 20) đề nghị
không bỏ chỉ tiêu “Diện tích rừng được bảo vệ” như Luật hiện nay.
Đề nghị Luật nên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Về điều khoản chuyển tiếp, tại khoản 2, Điều 1 Dự thảo Luật
quy định “Chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê quốc
gia theo quy định của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 được tiếp tục thực hiện đến
hết ngày 31 tháng 12 năm 2022”, đề nghị xác định rõ sau năm 2022 thì thực hiện
theo quy định nào.
Nguồn: https://baohatinh.vn/chinh-tri/dai-bieu-quoc-hoi-ha-tinh-tich-cuc-gop-y-tai-buoi-thao-luan-cac-du-an-luat/221200.htm