Tổng
cục Thống kê bổ sung 36 chỉ tiêu vào danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia
Tổng cục Thống kê cho biết việc sửa đổi, bổ sung nhằm thống
nhất danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia liên quan đến các nhóm chỉ tiêu: tài
chính, ngân hàng, bảo hiểm; nông nghiệp; kinh tế số...
Ngày 1/10 tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê tổ chức hội thảo lấy
ý kiến về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia nhằm
thống nhất danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia liên quan đến các nhóm chỉ tiêu:
tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; nông nghiệp; giáo dục; kinh tế số; trật tự, an
toàn xã hội; bảo vệ môi trường.
Hoàn thiện Danh mục chỉ tiêu thống kê
Phát biểu tại hội thảo, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết sau 5
năm thực hiện, Luật Thống kê đã có nhiều tác động tích cực đối với công tác thống
kê. Đến nay, các điều theo quy định của Luật Thống kê vẫn giữ nguyên giá trị,
phù hợp với các quy định hiện hành.

Tới thời điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo
Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia có 20 nhóm 222 chỉ tiêu.
Tuy nhiên trong bối cảnh mới, đặc biệt là sự thay đổi nhanh
chóng của kinh tế số, xã hội số và sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần
thứ tư thì Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia được nêu trong Luật đã
bộc lộ những hạn chế, bất cập như: chưa phản ánh một số chính sách pháp luật, mục
tiêu đường lối được Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành gần đây; chưa phản ánh đầy
đủ thực tiễn đời sống kinh tế xã hội; thiếu các chỉ tiêu phản ánh sự đóng góp của
kinh tế số và logistics cho nền kinh tế; thiếu các chỉ tiêu phản ánh đổi mới sáng
tạo toàn cầu, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia, các chỉ
tiêu phản ánh mức độ ứng dụng công nghệ; thiếu các chỉ tiêu phản ánh phát triển
bền vững ở cấp độ quốc gia...
Tại cuộc hội thảo, đại diện nhiều bộ ngành cùng các chuyên gia từ các tổ chức
trong nước và quốc tế đã đóng góp nhiều ý kiến đa chiều về bổ sung, hoàn thiện
Danh mục chỉ tiêu thống kê trên nhiều lĩnh vực như chứng khoán, bảo hiểm, kinh
tế số, giáo dục, chăm sóc trẻ em…
Về chỉ tiêu liên quan đến chứng khoán, bên cạnh các chỉ tiêu về vốn hóa thị trường cổ
phiếu, giá trị huy động vốn qua phát hành cổ phiểu trên thị trường chứng khoán đã
được đưa vào dự thảo, đại diện Bộ Tài chính đề xuất bổ sung 3 chỉ tiêu: quy mô
thị trường trái phiếu so với tổng sản phẩm trong nước, tốc độ tăng quy mô thị
trường trái phiếu, tổng giá trị phát hành trái phiếu.
Liên quan đến bảo hiểm, dự thảo đã bổ sung các chỉ tiêu: tổng thu phí, chi trả
bảo hiểm; số người đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tỷ
lệ người tham gia bảo hiểm y tế…

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
Những chỉ tiêu được bổ sung nhiều nhất là trong lĩnh vực
kinh tế số. Dự thảo đưa ra 21 chỉ tiêu phản ánh kinh tế số như: tỷ trọng giá trị
tăng thêm của kinh tế số trong GDP; doanh
thu dịch vụ viễn thông; số lượng thuê bao điện thoại; tỷ lệ người sử dụng điện
thoại; tỷ lệ người sử dụng Internet… Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề
xuất bổ sung 2 chỉ tiêu: tỷ lệ các nền tảng số trong nước đang hoạt động trên
thị trường Việt Nam; doanh thu dịch vụ nền tảng số và kinh doanh trực tuyến. Ngân
hàng Nhà nước đề xuất bổ sung chỉ tiêu tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên có tài
khoản thanh toán tại ngân hàng.
Bổ sung 2 chỉ tiêu môi trường
Về bảo vệ môi trường, dự thảo danh mục có 8 chỉ tiêu nhóm bảo
vệ môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung 2 chỉ tiêu là: cường
độ phát thải khí nhà kính trên GDP; tỷ lệ ngày trong năm có nồng độ PM 2,5 và
PM10 trong không khí vượt tiêu chuẩn quy định.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, bộ này đề xuất bổ sung 2 chỉ tiêu:
tỷ lệ các nền tảng số trong nước đang hoạt động trên thị trường Việt Nam; doanh
thu dịch vụ nền tảng số và kinh doanh trực tuyến.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung 1 chỉ tiêu “
Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài”, Tổng cục Thống kê nhất trí và đã bổ sung chỉ tiêu đề xuất
vào dự thảo danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Về chỉ tiêu liên quan đến an toàn xã hội, Bộ Công an đề xuất
sửa tên chỉ tiêu “Số vụ cứu nạn, cứu hộ; số người cứu được, số thi thể nạn nhân
tìm được và số tài sản cứu được”, thành “Số vụ sự cố, số vụ tai nạn giao thông,
số người cứu được, số thi thể tìm được”, Tổng cục Thống kê nhất trí và sửa tên
vào dự thảo danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Phương pháp
chế độ, Tổng cục Thống kê cho biết, trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ Kế hoạch và
Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia tới
thời điểm này có 20 nhóm 222 chỉ tiêu.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương
cho biết việc thực hiện điều tra các vấn đề xã hội có ý nghĩa quan trọng nhưng
một trong những khó khăn hiện nay là nguồn lực để triển khai trong bối cảnh nhân
lực, ngân sách còn hạn hẹp.
Đại diện Quỹ dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) cho rằng, việc sửa đổi danh mục chỉ
tiêu thống kê thời điểm này là kịp thời, phù hợp với việc Việt Nam hướng tới các
mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài phản ánh các thực trạng của Việt Nam, việc
thống kê là yếu tố quan trọng mang tính so sánh quốc tế. Chỉ khi các chỉ tiêu đã
được quy định trong Luật thì mới có đủ cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện, thu
thập số liệu thống kê.
Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/tong-cuc-thong-ke-bo-sung-36-chi-tieu-vao-danh-muc-chi-tieu-thong-ke-quoc-gia-207582.html